Lựa chọn nhẫn cưới cho ngày trọng đại là việc vô cùng quan trọng mà cô dâu chú rể nhất định phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhẫn cưới là tín vật tình yêu, là lời hứa bên nhau trọn đời. Thử tưởng tượng sẽ ra sao nếu bạn chọn một chiếc nhẫn thật đẹp nhưng đeo vào lại không thoải mái? Bạn đừng xem thường những chú ý nhỏ này, “sai một li đi một dặm” đấy người ơi.
Có tiêu chí chọn nhẫn rõ ràng
Bởi vì đây là cặp nhẫn mà hai bạn cùng chọn mua, cùng đeo nên cần những tiêu chí ban đầu để định hướng việc tìm kiếm. Đâu là màu sắc bạn ưa thích – nhẫn cưới vàng ta hay sáng trắng? Kiểu dáng thế nào, đơn giản hay thật bắt mắt? Bạn có thể tham khảo trên các tạp chí, các trang mạng, diễn đàn hay đến trực tiếp cửa hàng trang sức.
Xác định ngân sách cho nhẫn cưới
Nhẫn cưới có mức giá rất đa dạng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thành phần kim loại, kiểu dáng… Nếu bạn muốn khắc tên vào mặt trong nhẫn, bạn sẽ phải tốn thêm một khoản nữa, và chi phí này phụ thuộc vào phông chữ và việc bạn chọn khắc bằng tay hay bằng máy.
Chọn nhẫn sớm
Bạn nên bắt đầu tìm mua nhẫn cưới ít nhất 2 tháng trước ngày cưới. Như thế bạn sẽ có thời gian để dạo quanh ngắm nghía và chọn được chiếc nhẫn ưng ý nhất. Việc xem qua nhiều kiểu nhẫn là cần thiết, đừng vội vàng mua ngay chiếc nhẫn đầu tiên mà bạn thấy bắt mắt. Nếu bạn thích một chiếc nhẫn cưới được đặt làm theo ý bạn, bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa. Còn việc khắc chữ lên nhẫn, có khi bạn phải chờ khá lâu đấy.
Hãy suy nghĩ thực tế
Bạn sẽ mang chiếc nhẫn này cả đời, vậy hãy nghĩ xem nó sẽ thế nào nếu bạn mua một chiếc nhẫn thật đẹp nhưng khiến bạn cảm thấy không thoải mái, hay một chiếc nhẫn mà bạn phải thường xuyên tháo ra đeo vào (và điều này nghĩa là bạn sẽ dễ làm mất nó hơn). Điều quan trọng ở đây là tìm thấy chiếc nhẫn sẽ dễ dàng trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Hãy nhớ đến phong cách sống của bạn khi chọn nhẫn cưới. Ví dụ, những người yêu thích thể thao hoặc hay làm việc ngoài trời nên tránh những chiếc nhẫn to bản và cầu kỳ mà nên chọn những chiếc nhẫn mỏng và trơn. Còn với những người phải thường xuyên làm việc với hai bàn tay, một chiếc nhẫn kim cương có thể gây ra những rắc rối như trầy xước da hoặc dễ bám bẩn, vì thế một kiểu nhẫn đơn giản sẽ là sự lựa chọn phù hợp. Đặc biệt, nếu bạn là người bị dị ứng với hợp kim, hãy đầu tư cho việc mua nhẫn bạch kim, thành phần kim loại nguyên chất rất hiếm gây dị ứng với đa số mọi người.
Nên chọn nhẫn cưới khó bị lỗi thời
Bạn có thể không ngại khác biệt và chọn cho mình một cặp nhẫn cưới thật lạ, nhưng hãy chắc rằng bạn vẫn muốn đeo chiếc nhẫn đó sau 20 năm nữa, chưa kể chiếc nhẫn cưới sẽ theo bạn đến mọi nơi, từ những buổi gặp mặt khách hàng, những buổi họp gia đình và những lúc tụ tập bạn bè.
Cẩn thận với kích cỡ của nhẫn
Hầu hết mọi người hiếm khi tháo nhẫn cưới ra, họ đeo nó suốt 4 mùa và ở giai đoạn khác nhau, trong khi ngón tay của bạn có thể to hơn hoặc nhỏ đi do thay đổi cân nặng, do bệnh tật hay rất nhiều những lí do khác. Để đo size nhẫn cưới phù hợp cho mọi thời điểm trong cuộc đời bạn, hãy thử nhẫn khi cơ thể bạn đang ở trạng thái bình ổn nhất với thân nhiệt bình thường. Tuyệt đối không nên thử nhẫn vào buổi sáng (cơ thể bạn giữ muối từ tối hôm trước), khi vừa tập thể dục xong (việc này khiến những ngón tay có thể hơi sưng) hoặc khi bạn đang rất lạnh hoặc rất nóng.
Kiểm tra kỹ chất lượng nhẫn
Đây là nguyên tắc chung cho việc chọn mua bất cứ chiếc nhẫn nào, và bạn càng cần chú ý hơn khi chọn mua nhẫn cưới. Hãy chắc rằng bạn hiểu rõ những ký hiệu trên nhẫn có ý nghĩa gì, bởi vì chúng chính là “chứng minh nhân dân” của một chiếc nhẫn. Các con số giúp bạn biết rõ chiếc nhẫn trước mặt bạn có chất lượng như thế nào, có đúng với những gì người bán nói với bạn hay không.
Giữ nhẫn sạch và sáng bóng
Đây là việc chắc chắn bạn phải làm. Với chiếc nhẫn trơn, bạn có thể lau dễ dàng bằng một miếng vải mềm, trơn và không chứa chất xơ. Các vết ố mờ có thể dễ dàng tẩy đi bằng cách nhúng chiếc nhẫn trong dung dịch rượu, còn vết xỉn màu thì nên dùng bàn chải lông mềm chà rửa với xà phòng, nước và vài giọt amoniac và lau khô với khăn mềm. Còn nếu bạn đeo nhẫn đính đá, rửa sạch bằng nước ấm pha một ít xà phòng, chà nhẹ với bàn chải lông mềm hoặc cây chải lông mày, lau khô với vải mềm không chứa chất xơ.
Bảo quản nhẫn cẩn thận
Dù rằng nhẫn của bạn làm bằng kim loại, ngay cả là bạch kim tinh khiết đi nữa, cũng rất dễ hư hại. Vì thế bạn nên tránh đeo nhẫn khi làm những công việc tay chân hoặc khi chơi thể thao (việc này dễ làm trầy xước nhẫn). Đồng thời, tránh để nhẫn tiếp xúc với các loại hóa chất, mỹ phẩm như nước hồ bơi, thuốc nhuộm, nước tẩy, nước biển… vì chúng khiến cho nhẫn bị xỉn màu nhanh chóng. Bạn cũng nên định kỳ mang trang sức tới các tiệm kim hoàn để làm sáng và đánh bóng sản phẩm, giữ cho nhẫn của bạn luôn đẹp như mới.
Đừng để mất nhẫn
Bạn đừng ngạc nhiên khi biết rằng nhẫn cưới rất dễ bị mất, bởi chúng quá nhỏ và bạn chỉ cần lơ đãng một chút thì sau đó có thể bạn sẽ không tìm lại được nữa. Đó là lí do vì sao mà bạn nên chọn một chiếc nhẫn mà bạn có thể không phải tháo ra đeo vào quá nhiều lần. Khi cần tháo nhẫn ra, hãy cất chúng ở một nơi nhất định, tuyệt đối không tùy tiện để nhẫn ở bất cứ chỗ nào gần bạn, bạn sẽ quên đấy! Không để nhẫn ở gần bồn tắm hay bất cứ đâu cần chỗ thoát nước, chỉ cần bạn hoặc người nhà vô ý một chút, chiếc nhẫn sẽ biến mất mãi mãi. Tìm được chiếc nhẫn vừa đẹp vừa thích hợp tưởng dễ hóa ra lại khó vô cùng. Nhớ bình tĩnh “đọc kỹ hướng dẫn trước khi chọn nhẫn cưới” bạn nhé